Bài viết Qin'smoon

Đốt sách chôn Nho: Tội đâu phải ở Tần Thủy Hoàng? (Phần 2)

Nói đến đốt sách, người ta ai cũng nghĩ đến sự kiện luôn được người ta gắn liền với nó: chôn Nho. Trên thực tế việc chôn Nho diễn ra sau sự kiện đốt sách, tức khoảng năm Doanh Chính thứ 35. Nguyên nhân của sự việc này như sau:

701fa7a2nd1d26f13e1a8&690

3. Nguồn gốc của việc “chôn Nho”

Sự việc phải được bắt đầu từ 6 năm trước đó, Tần Thủy Hoàng rất mê lên núi tìm tiên nhân và thuốc bất tử. Khắp nơi lôi kéo và thu hút các đạo sĩ, tặng nhiều vàng bạc, cho nhiều tiền của để đi tìm hỏi tiên nhân xin thuốc trường sinh bất lão cho mình. Trước sau mấy lần tìm hỏi đều thất bại. Nhưng Tần Thủy Hoàng không hề ngã lòng, việc cung cấp tiền bạc về quy mô và số lượng lại càng lớn hơn trước.

Vì thế trong giới đạo sĩ mới lưu truyền với nhau một tin đồn rằng: Đó là chỗ Hoàng đế ngu dốt, tiền nhiều, mau mau mà đến. Một thời gian sau, các đạo sĩ khắp thiên hạ tập trung tại Hàm Dương. Tần Thủy Hoàng ngược lại cũng rất có thiện tâm, bất cứ ai đến đều không từ chối, chỉ cần đạo sĩ đưa ra ý kiến ngay lập tức có thể ban cho một khoản tiền lớn. Thực tâm Tần Thủy Hoàng biết rằng những đạo sĩ đến từ tứ xứ này phân nửa đều là những tên lừa đảo nhưng điều đó không thành vấn đề. Ông ta cũng không cần tiếc những đồng tiền đó. Đường xây dần cũng thành xa, ta cứ làm mãi cũng có ngày thu được thành quả. Đó phải chăng là cách nghĩ của Tần Thủy Hoàng?

Sáu năm trôi qua, thần tiên và thuốc trường sinh vẫn chưa thấy đâu. Những kẻ đạo sĩ tránh sao khỏi chột dạ. Cứ là đạo sĩ, bất kể tốt xấu tất cả đều được Tần Thủy Hoàng đối đãi như thượng khách. Những kẻ đạo sĩ cũng không phải là ngu dốt, tất nhiên không dám thừa nhận rằng trên thế giới không hề có tiên nhân và thuốc trường sinh bất tử, chỉ vì đạo sĩ nói quá nhiều nên mới thành ra có vậy thôi. Các đạo sĩ này đương nhiên không muốn đập vỡ bát cơm của mình, họ muốn tiếp tục chức phận không vốn mà nghìn lời đó, vì thế họ tính đến kế hoãn binh, tìm cách đổ trách nhiệm thất bại cho Tần Thủy Hoàng.

Một đạo sĩ là Lưu Sinh nói với Tần Thủy Hoàng rằng, thần nhiều lần đi cầu thần tiên và thuốc trường sinh bất tử không được chính là vì có ác thần quấy phá. Bệ hạ nên quên thân phận Hoàng đế, hóa trang thành một thường dân mới mong có thể tránh được sự quấy phá đó. Tránh được sự ác thần thì tự nhiên chân nhân tự đến. Ngoài ra, bệ hạ cũng không được xử lý việc quốc gia, không được tiếp xúc các đại thần nếu không thì không thể điềm đạm, an tĩnh khiến cho bậc chân nhân thần tiên không thích. Nơi ở của bệ hạ cũng không được để cho bất cứ ai biết. Bệ hạ làm được những việc đó thì nhất định sẽ có được thuốc trường sinh bất tử.

Những lời của Lư Sinh thực chất là để tạo ra lối thoát cho mình. Yêu cầu Tần Thủy Hoàng phải từ bỏ quyền lực, xa rời việc nước, cắt đứt với thế tục. Những yêu cầu này có phần hơi quá ngặt nghèo để có thể tuân theo. Theo cách nghĩ của Lư Sinh thì Tần Thủy Hoàng sẽ thấy khó mà tự lui, không muốn hợp tác, như thế việc cầu tiên cũng sẽ bị bỏ quên. Đáng tiếc Tần Thủy Hoàng như bị tẩu hỏa nhập ma, tin vào lời nói của Lư Sinh. Để trở thành một vị tiên bất tử, cái giá đó cũng không là gì.

Tần Thủy Hoàng thực sự rất có thành ý. Đầu tiên ông ta bỏ cách xưng hô “trẫm” của hoàng đế, tự gọi mình là chân nhân. Sau đó chấp nhận kiến nghị của Lư Sinh, sẽ ra ở trong một hành cung cách Hàm Dương hai trăm dặm được nối với Hàm Dương bởi một con đường lát gạch. Những người theo hầu nơi đó mà dám tiết lộ sẽ bị tội chết.

Đối với việc xử lý việc triều chính, vẫn sẽ được tiến hành trong nội cung tại Hàm Dương chỉ có điều Tần Thủy Hoàng sẽ không xuất hiện trong buổi nghị triều. Quần thần tâu trình thì nói với ngai vàng không của Hoàng đế, giống như một vở diễn kịch vậy.

Một ngày, Tần Thủy Hoàng đến Lương Sơn cung, nhìn thấy đoàn xe ngựa của thừa tướng Lý Tư rất đông, trong lòng cảm thấy không vui. Có người nói chuyện này với Lý Tư, Lý Tư vì thế mới dùng xe nhẹ và bớt người tùy tùng đi. Sau đó Tần Thủy Hoàng biết được rất giận dữ nói: “Trong số đó có người tiết lộ lời của ta”, mới ra lệnh tìm người tiết lộ nhưng không tìm được. Vì thế Tần Thủy Hoàng mới truyền lệnh cho bắt toàn bộ những người hôm đó theo hầu mình, ra lệnh giết sạch. Sau đó không còn ai dám lộ hành tung của Tần Thủy Hoàng ra bên ngoài nữa.

Hành động đó cho thấy Tần Thủy Hoàng quyết tâm trở thành tiên nhân. Ngay cả đối với thừa tướng Lý Tư mà ông ta coi là chiến hữu thân cận nhất ông ta cũng không ngại dở mặt có thể thấy ông ta đối với việc thành tiên là rất có thành ý và cũng rất cố chấp.

Tần Thủy Hoàng ngày mê muội, áp lực đối với các đạo sĩ càng lớn. Nếu như một ngày Tần Thủy Hoàng biết rằng ông ta bị lừa thì ông ta sẽ báo thù như thế nào đây. Cần biết rằng Tần Thủy Hoàng không phải là ông vua ngu dốt như trong câu chuyện Áo mới của hoàng đế, ông ta tuyệt đối không chịu ăn quả đắng như vậy.

Những đạo sĩ “tiên tri tiên giác” này, bắt đầu thấy lo sợ cho ngày cáo chung của mình. Lần lừa bịp này qua được, liệu còn có lần sau không? Lại lừa dối một lần nữa sớm muộn cũng lộ chuyện mà một khi lộ chắc chắn là lớn chuyện. Phú quý thì đáng quý nhưng tính mệnh còn quý hơn, ba mươi sáu kế, chạy mới là thượng sách.


86e6f0a0jw1e46s8yqd1kj20hs0c0gn9

4. Bị chôn không phải Nho mà là đạo sĩ

Những đạo sĩ chạy đầu tiên là Lư Sinh và Hầu Sinh. Nhưng trước khi lên đường cao chạy xa bay hai người còn có một màn thảo luận kỹ thuật chỉ ra kết luận rằng việc cầu tiên của Tần Thủy Hoàng là không thể trở thành hiện thực. Mà đoạn nghị luận này cũng không bị sử sách bỏ qua:

Lư Sinh và Hầu Sinh gặp nhau bàn mưu rằng: “Thủy Hoàng trời sinh đã nóng nảy cố chấp, tự cho mình là đúng, dẹp chư hầu, an thiên hạ, đắc ý nên tự cho rằng từ xưa tới nay không có ai được như mình. Tiến sĩ tuy có hơn 70 người nhưng cũng chỉ là cho đủ số, phí hoài không dùng đến. Thừa tướng cho đến các đại thần đều nhận những việc đã xong, hoàn toàn dựa vào ý bề trên. Trên thì lấy việc giết người làm vui, thiên hạ sợ tội mà thích bổng lộc cũng không dám tận trung. Trên ít nghe mà kiêu ngạo, bề dưới sợ chỉ tìm cách lừa bịp cho mọi việc dễ dàng. Pháp luật nước Tần, không cần hỏi đủ các bên, không cần tra xét, ngay lập tức có thể ban tội chết. Các hiền sĩ cũng sợ kị húy không dám cất lời. Tất cả mọi việc lớn nhỏ trong thiên hạ đều được quyết định bởi một người. Mỗi ngày phê biểu, xem tấu nặng đến 120 cân, không lúc nào được nghỉ ngơi. Tham quyền thế đến như vậy, làm sao mà cầu tiên dược cho đặng”.

Nghe nói Lư Sinh và Hầu Sinh bỏ đi, Tần Thủy Hoàng nổi giận đùng đùng. Người khác bỏ trốn có thể không sao, sao lại là hai người này. Phải biết rằng, Tần Thủy Hoàng có thu dụng rất nhiều đạo sĩ nhưng chỉ tin tưởng và hy vọng vào hai ngườ. Phàm là những gì họ yêu cầu Tần Thủy Hoàng đều đáp ứng, phàm những gì họ mong muốn, Tần Thủy Hoàng cũng không để họ thất vọng. Nay hai người cao chạy xa bay, thật chẳng coi Tần Thủy Hoàng là gì.

Thực ra thì cả Hầu Sinh và Lư Sinh đều không biết rằng việc họ chạy trốn để bảo toàn tính mệnh bản thân lại đẩy những người “đồng đội” với họ vẫn còn lưu lại ở Hàm Dương đến chỗ chết. Khi họ vừa chạy chốn được mấy ngày, một tai nạn thảm khốc đã giáng lên đầu những đạo sĩ còn lưu lại ở Hàm Dương.

Tần Thủy Hoàng hạ lệnh, tất cả những đạo sĩ còn ở lại Hàm Dương và cả những đạo sĩ đã dời khỏi Hàm Dương đều bị tầm nã, bắt về quy án, tống giam vào một chỗ. Dưới sự đánh đập tra tấn, các đạo sĩ vì muốn tránh tội đã cáo giác, vu khống lẫn nhau. Sau khi tra xét, có hơn 460 người phạm tội, đều đem chôn sống ở Hàm Dương, làm gương cho thiên hạ.

Sự kiện đó, đời sau gắn với việc đốt sách hợp thành một câu “đốt sách, chôn Nho”. Nhưng nghiên cứu nguồn gốc của nó, có thể nói việc chôn Nho thực chất chỉ là một lần thanh lý toàn thể đối với đội ngũ đạo sĩ mà thôi. Hơn 460 người bị chôn sống này đều là những đạo sĩ chuyên xem sao đoán sô, luyện đan dược, hoàn toàn không phải là học trò hay Nho sĩ. Tư Mã Thiên trong thiên Nho lâm liệt truyện của Sử ký có nói rõ rằng: “Đến cuối đời Tần, đốt Thi Thư, chôn đạo sĩ”. Có thể thấy, về căn bản không có việc chôn Nho sinh.

Vậy bắt đầu từ khi nào việc chôn đạo sĩ bị hiểu nhầm thành chôn Nho sinh?

20130111103552_SERLz

5. Khảo cứu về việc “chôn Nho”

Việc chôn Nho lần đầu tiên được đề cập đến là dưới triều Đông Tấn. Mai Di dâng Cổ văn Thượng Thư, trong đó có kèm theo sáng tác của Khổng An Quốc là Thượng Thư Tự. Trong bài tự này có viết: “Đến Tần Thủy Hoàng là người hủy những điển tịch đầu tiên, đốt sách chôn Nho, các học sĩ trong thiên hạ, chạy nạn tan tác. Tổ tiên của ta dùng những sách vở cất giấu trong tường”. Đây là lần đầu tiên việc chôn đạo sĩ được đổi thành chôn Nho sĩ. Sau đó, khi Cổ văn Thượng Thư được xác định là cuốn sách của nhà nước, cách nói chôn Nho cứ được lặp lại như vậy, dần dần trở thành một định luận bất khả tư nghị.

Đối với Cổ văn Thượng Thư do Mai Di dâng lên cho đến bài Thượng Thư tự của Khổng An Quốc, những người đời trước đa phần đều có chỗ nghi ngờ, nhưng mãi đến đời Thanh, người ta mới phát hiện cuốn sách đó là giả. Nhưng mọi chuyện đã đến lúc không thể sửa đổi được nữa.

Việc ngụy tạo tuy muôn hình vạn trạng song đều thống nhất cùng một tâm trạng đó là hy vọng lấy giả làm thật, lừa bịp thành công người đời. Ví dụ như những người làm tranh giả, sau khi làm giả xong, không sợ khó nhọc, lại tạo ra các ấn chương và đề tựa của các danh gia, để quảng cáo rằng người nổi tiếng này đã từng sở hữu. Người ngụy tạo ra cuốn Cổ văn Thượng Thư chắc chắn cũng có tâm thái cũng là như vậy. Vì thế mới tạo ra Thượng Thư tự, lấy danh tiếng của Khổng An Quốc mà lừa bịp thiên hạ.

Người tạo sách giả đổi chôn đạo sĩ thành chôn Nho, thực chất cũng là để dẫn ra câu “Tổ tiên của ta dùng sách dấu trong tường”, từ đó mà biểu thị rằng Cổ văn Thượng Thư chính là của gia bảo nhà mình. Thực ra mục đích của họ cũng chỉ là như vậy chứ không có ý bôi nhọ gì Tần Thủy Hoàng. Người đời sau cứ dựa vào đó mà khẳng định chắc chắn là chôn Nho, thiết nghĩ là nó nằm ngoài sự suy nghĩ của người tạo sách.

Khi Nho giáo độc tôn, họ cũng vô ý tiếp nhận chính những hiểu lầm này. Một mặt, họ đề cao việc phục cổ, mặt khác họ lại hiểu một cách sâu sắc đạo lý tất cả lịch sử đều là đương đại sử, chỉ cần lịch sử có lợi cho hiện tại, thì chân hay ngụy họ cũng không còn cần thiết nữa.

Từ lý trí, họ hoài nghi về tính xác thực của việc chôn Nho nhưng trên phương diện tình cảm và đặc biệt là lợi ích, họ cam tâm tình nguyện tin rằng việc chôn Nho tất yếu là có.

Từ chôn đạo sĩ đổi thành chôn Nho, đối với họ không nghi ngờ gì là hoàn toàn có lợi hơn. Theo cách đó, Tần Thủy Hoàng sẽ trở thành một điển hình của cái xấu, có thể bị họ thường xuyên nhắc tới với mục đích là nói với các bậc đế vương đương thời rằng: Ngài xem, Tần Thủy Hoàng vì chôn Nho sinh không chỉ sự nghiệp nhanh chóng tan tành mà còn để tiếng xấu đến ngàn năm. Vì thế bệ hạ có anh minh, đừng có dại dột mà làm như ông ta?

Từ chôn đạo sĩ đổi thành chôn Nho có thể thấy là xuất phát từ nhu cầu tình cảm của họ. Nắm trong tay tiếng nói của hệ tư tưởng, tự nhiên có thể tuy phong “liệt sĩ” những người trong tập đoàn của mình. Có những tín đồ tử vì đạo, Nho gia có thể làm tăng thêm sự huy hoàng cho tập đoàn của mình.

4d24cfe9g8ce955796a3e&690

Những người của Nho gia cứ như thế sẽ đem việc chôn đạo sĩ kéo lên đầu mình, yên tâm rằng mình là người bị hại, thậm chí còn tìm thấy trong đó một sự an ủi rất lớn. Nếu như anh nói rằng người bị chôn không phải là họ, có thể họ sẽ nổi nóng mà trách mắng anh rằng, sao lại không phải là chôn những Nho sinh chúng tôi, anh xem thường chúng tôi đến thế sao.

Nhưng mà cũng phải nói thẳng ra rằng, vào thời Tần Thủy Hoàng, địa vị của Nho sĩ còn kém xa các đạo sĩ. Nho sinh chỉ biế lấy xưa chê nay mà đạo sĩ thì có thể tìm kiếm cho ông ta thuốc trường sinh bất tử. Nặng nhẹ hai bên có thể nhìn thấy rất rõ. Từ địa vị của Nho sĩ đương thời cũng có thể thấy rằng cơ bản không thể dẫn đến cơn đại nộ của Tần Thủy Hoàng như vậy được. Các Nho sinh có muốn “tử vì đạo” vị tất đã được toại nguyện?

Những gì đã phân tích trên đây, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, chôn Nho thực tế chỉ là tội danh mà người đời sau gán lên Tần Thủy Hoàng nhằm phục vụ cho mục đích chính trị của họ mà thôi

Nguồn sưu tầm

1 thoughts on “Đốt sách chôn Nho: Tội đâu phải ở Tần Thủy Hoàng? (Phần 2)

  1. Ây da. Ra là vậy. Nếu đó là sự thật thì phần 6 của phim tần thời minh nguyệt sắp tới đây thì nho gia có bị tần thủy hoàng tiêu diệt k đây…

    Thích

٩(^‿^)۶Bàn luận qin'smoon (=^.^=)